Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Hướng dẫn ăn dặm chỉ huy “BLW”

Đăng bởi Suri Store ngày bình luận

Nếu mẹ đã quen với hình ảnh các bé được mẹ dùng muỗng đút thức ăn nghiền nhuyễn vào miệng, bé nhè ra và mẹ lại nhét vào cho đến khi nào bé nuốt mới thôi, thì  phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy – Baby Led Weaning (BLW) sẽ là một hình ảnh hoàn toàn khác. Mời các mẹ cùng tham khảo xem đây có phải là phương pháp phù hợp với con mình không nhé!!

1. Ăn dặm chỉ huy là gì ?

Phương pháp BLW được hiểu đơn giản là việc bạn để cho trẻ tự ăn mà không cần trợ giúp. BLW tập trung vào việc giúp trẻ tự khám phá đồ ăn, màu sắc, hình dáng, mùi vị, đồng thời tôn trọng các quyết định của trẻ về việc ăn bao nhiêu, ăn khi nào và thậm chí ăn như thế nào.

Em bé của bạn sẽ kiểm soát chính những trải nghiệm ăn uống của bé. Điều đó có nghĩa là mẹ sẽ không cầm thìa để bón cho con từng muỗng, hay tán thưởng con khi con ăn một miếng ngon hoặc khuyến khích bé ăn thêm một miếng nữa nào…

Khi mẹ đã quyết định cho bé ăn dặm BLW có nghĩa là mẹ hoàn toàn để trẻ độc lập trong việc quyết định ăn và từ đó trẻ sẽ hình thành được tính cách ăn chủ động và yêu thích đồ ăn. BLW là phương pháp tuyệt vời để trẻ tự hình thành thói quen ăn, khẩu vị và quãng thời gian ăn dặm trở nên tự do.

2. Lợi ích của việc ăn dặm chỉ huy

– Thứ nhất, phương pháp ăn dặm do bé tự chỉ huy BLW giúp bé ăn và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, bé ăn theo bản năng khi đã sẵn sàng – giống như bất kỳ động vật con nào khác; bé khám phá thức ăn theo nhịp độ riêng của mình; bé sử dụng tay và miệng của mình theo bản năng để tìm hiểu về mọi loại vật thể, bao gồm cả thức ăn.

– Thứ hai, BLW giúp bé học cách tận hưởng và tin tưởng thức ăn, bé biết khám phá những vị khác biệt, học cách nhận biết thức ăn, giảm các yếu tố nghi ngờ và xây dựng thú vui ăn uống lâu dài.

– Thứ ba, BLW giúp bé học cách kiểm soát thức ăn với những kích thước, hình dạng và độ thô mịn khác nhau ngay từ đầu trên nguyên tắc tự xử lý và đưa vào miệng, vì thế bé nhanh chóng trở nên khéo léo khi tiếp cận nhiều loại thức ăn. Bé học được cách dùng lưỡi điều khiển thức ăn trong miệng và biết mình có thể đưa vào bao nhiêu là an toàn. Bé sẽ biết cách cắn thành miếng nhỏ để nhai, trong khi những em bé lớn hơn đã quen với việc được đút muỗng thường nhét quá đầy vào miệng khi lần đầu tiên được phép tự ăn. Việc học nhai hiệu quả tạo điều kiện cho bé tiếp nhận được mọi dưỡng chất cần thiết và cũng hỗ trợ cho vấn đề tiêu hóa của bé. Tập nhai sớm khi đã sẵn sàng giúp bé phát triển các cơ mặt cần thiết khi bé học nói

– Thứ tư, BLW giúp bé tìm hiểu thế giới qua các khái niệm ít/nhiều, kích cỡ, hình dạng, độ nặng, độ thô mịn… chỉ bằng cách “chơi” với thức ăn của mình.

– Thứ năm, BLW giúp bé phát triển khả năng tiếp cận qua việc để bé tập điều phối tay và mắt mỗi lần sử dụng ngón tay đưa thức ăn vào miệng. Ngoài ra, việc thử nghiệm những món ăn thú vị với kích cỡ và độ thô mịn khác nhau hàng ngày sẽ làm tăng sự khéo léo của bé.

– Thứ sáu, BLW giúp bé được tham gia bữa ăn gia đình tạo niềm vui cho bé qua việc bắt chước hành vi người lớn, cách chia sẻ và cách giao tiếp.

– Thứ bảy, BLW giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh, điều này đòi hỏi ba mẹ phải có chế độ ăn khoa học để ảnh hưởng tốt đến bé ngay từ giai đoạn này.

– Thứ tám, BLW giúp ba mẹ chuẩn bị bữa ăn dễ dàng và đơn giản, đặc biệt công cuộc cho con ăn cũng vô cùng nhẹ nhàng và thú vị.

3. Khi nào bé được ăn dặm chỉ huy

Mẹ hãy để ý đến những dấu hiệu sau để quyết định bắt đầu cho bé ăn dặm khi nào nhé:

• Khi bé ít nhất được 6 tháng. WHO khuyến cáo các mẹ nên chờ đến khi bé 6 tháng tuổi để bắt đầu giới thiệu thức ăn thô cho bé, bổ sung thêm bên cạnh thức ăn chính của bé vẫn là sữa

• Khi bé đã có thể giữ được đầu thẳng mà không cần sự hỗ trợ

• Khi bé có thể ngồi thẳng mà không cần hỗ trợ hoặc được hỗ trợ bằng gối hay chăn giữ lưng cho bé

• Khi bé bắt đầu nhặt đồ vật, nắm lấy và đưa vào miệng

• Khi bé bắt đầu thè lưỡi ra khỏi miệng và nhìn như có vẻ đang thèm ăn gì đó

• Bé đã thể hiện được rõ ràng không muốn tiếp tục bú sữa khi no như lắc đầu, đẩy ra bằng lưỡi hoặc lấy tay đẩy ra

Tuy nhiên có một số bé vẫn chưa thực sự sẵn sàng khi 6 tháng tuổi thì cha mẹ cũng không cần vội mà hãy kiên nhẫn với em bé của mình để tìm được giai đoạn chín muồi nhất cho bé nhé.

4. Những nguyên tắc cơ bản khi áp dụng phương pháp ăn dặm BLW

– Về thức ăn:

Có thể chia sẻ với bé những thức ăn tốt cho sức khỏe của gia đình, ví dụ như trái cây, rau củ, thịt, phô mai, trứng luộc, bánh mì, cơm, mì sợi và hầu hết các loại cá. Tuy nhiên tùy giai đoạn mà bé được ăn những loại thức ăn phù hợp. Hãy chọn những thức ăn dễ cắt hình que hoặc sợi lớn khi bé bắt đầu ăn. Nên tránh những thức ăn có muối và đường, thức ăn nhanh và đồ chế biến sẵn, mật ong, sò hến, trứng lòng đào và các loại hạt.

– Về cách ăn:

Cho bé ngồi thẳng người, quay mặt về phía bàn (ngồi trên ghế ăn hoặc trên đùi ba mẹ). Hãy đảm bảo là bé ngồi vững và có thể dùng bàn tay và cánh tay thoải mái. Cung cấp thức ăn cho bé chứ không phải cho bé ăn. Hãy đặt đồ ăn trước mặt bé hoặc cho bé lấy nó từ tay mẹ và để bé tự quyết định. Hãy chọn những thời điểm bé không mệt và đói để bé có thể tập trung. Đừng hối thúc bé hoặc làm bé rối trí khi xử lý thức ăn. Hãy cho phép bé tập trung và tận dụng thời gian của mình. Đừng đút thức ăn vào miệng bé hoặc cố thuyết phục bé ăn nhiều hơn mức mình muốn.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những tháng đầu của BLW thực tế chưa phải là ăn thực sự – đó là thời điểm bé khám phá thức ăn và học ăn theo bố mẹ. Bé của bạn sẽ bắt đầu bằng việc tham gia vào các bữa ăn gia đình và quan sát mọi người ăn uống và học hỏi theo. Điều quan trọng trong giai đoạn này là các bố mẹ nên thể hiện sự yêu thích ăn uống và thực hiện các thao tác ăn uống với tốc độ vừa phải để bé có thể theo kịp.

Chính bởi vậy, hãy cho bé bú sữa mẹ trước và trong khi cho bé ăn dặm kiểu BLW bởi sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong giai đoạn này.

5. Cha mẹ lưu ý những vấn đề sau để tránh trường hợp trẻ bị hóc nguy hiểm

• Ít nhất 6 tháng mới cho bé bắt đầu ăn dặm và khi bé đã thực sự sẵn sàng

• Đảm bảo bé ăn ở tư thế ngồi thằng đứng

• Không chủ động đặt thức ăn vào miệng bé hay dùng ngón tay bạn lấy thức ăn trong miệng bé ra. Nếu bé bị nghẹn bé tự dùng lưỡi để đẩy thức ăn ra ngoài.

• Khi bé ăn bạn cần luôn luôn ở bên cạnh quan sát, theo dõi bé đang thực hiện quá trình ăn như thế nào

• Chuẩn bị cho bé thực phẩm phù hợp với từng giai đoạn

• Biết các dấu hiệu khi bé bị hóc và cần phải xử lí như thế nào

6. Đối diện với sự lộn xộn và bừa bộn khi cho bé ăn dặm BLW

So với các phương pháp ăn dặm truyền thống hay ăn dặm kiểu Nhật thì chắc chắn ăn dặm BLW sẽ khiến mẹ vất vả hơn rất nhiều trong quá trình bé ăn và khi bé ăn xong. Bạn sẽ có thể phải tắm cho bé 1 ngày 3 lần, lau nhà 3 lần, giặt đồ 3 lần….

Tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng vì em bé của mẹ đang lớn lên từng ngày và bé sẽ phát triển kĩ năng theo từng ngày. 3 tháng đầu có thể sẽ là giai đoạn khủng hoảng nhất vì bé có thể chưa ăn được nhiều, chỉ biết ném đồ ăn và bôi bẩn tuy nhiên khi bé đã lớn hơn,  mẹ sẽ thấy dễ thở hơn và nhìn bé ăn với cảm xúc vui sướng, nhẹ nhàng.

Để giảm bớt sự lộn xộn khi bé ăn dặm BLW, mẹ có thể chuẩn bị cho bé một chiếc yếm phù hợp với ăn dặm BLW và 1 chiếc khăn trải lên khu vực bé ăn. Và khi bé ăn xong mẹ sẽ dễ dàng lau dọn hơn.

Khi mẹ đã lựa chọn phương pháp ăn dặm này thì hãy luôn vui vẻ và đón nhận sự thay đổi từng ngày của con nhé.

Chúc các mẹ vui, khỏe!

ST


Cũ hơn Mới hơn

Lấy lại mật khẩu

DMCA.com Protection Status