Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Chậm nói có phải là tự kỷ không ?

Đăng bởi Suri Store ngày bình luận

“Con của em có phải bị tự kỉ không hả, bác sĩ?”, đó là câu hỏi được nhiều cha mẹ đặt ra khi đưa con đến khám tại phòng khám Cây Thông Xanh của chúng tôi. Nhiều gia đình khi thấy con chậm nói và đưa trẻ đi khám đều rất lo lắng về việc con mắc chứng tự kỉ. Vì khi cha mẹ tìm hiểu những dấu hiệu của tự kỉ thì thấy rằng chậm nói là một trong các biểu hiện của bệnh.

 

Trẻ tự kỉ thường gặp khó khăn về các kĩ năng ngôn ngữ – giao tiếp. Khoảng 40% trẻ tự kỉ không có giao tiếp bằng lời nói, khoảng 25 – 30% trẻ tự kỉ có thể nói được một vài từ, cụm từ khi được 12 – 18 tháng và sau đó lại không nói được nữa. Để chẩn đoán chính xác một trẻ mắc tự kỉ cần rất nhiều thời gian quan sát, đánh giá và việc chẩn đoán nhầm trẻ có rối loạn ngôn ngữ thành trẻ bị tự kỉ là có thể xảy ra. Một trẻ khi có các dấu hiệu của tự kỉ thì cần được theo dõi và can thiệp trong một khoảng thời gian, trước khi trẻ được chẩn đoán chính xác là có mắc tự kỉ .Trước khi tìm hiểu về điểm giống và khác nhau của 2 dạng rối loạn phát triển, các cha mẹ cần hiểu thế nào là  rối loạn phổ tự kỉ  và chậm nói đơn thuần 

Sau đây là sự giống và khác nhau về các dấu hiệu của Chậm nói đơn thuần và Rối loạn phổ tự kỉ.

Giống nhau:

  1. Mốc phát triển về ngôn ngữ cảm nhận (hiểu ngôn ngữ) và/hoặc ngôn ngữ diễn đạt (lời nói/cử chỉ) chậm hơn so với lứa tuổi
  2. Các dấu hiệu về trẻ không hiểu lời nói và không có ngôn ngữ diễn đạt:
  • Không làm theo các hiệu lệnh
  • Lặp lại lời nói hoặc câu hỏi của mọi người
  • Trả lời không đúng với nội dung của câu hỏi
  • Vốn từ hạn chế và các câu nói có cấu trúc giống nhau
  • Có vẻ không chú ý khi có người khác nói chuyện với trẻ

 

Khác nhau:

Trẻ tự kỉ thường có các dấu hiệu kèm theo đó là:

  1. Tương tác xã hội kém: thích chơi 1 mình, ít hoặc gần như không giao tiếp mắt, ít chia sẻ đồ chơi/cảm xúc, không biết chơi theo lượt,…
  2. Kĩ năng sử dụng ngôn ngữ không lời và hiểu ngôn ngữ không lời kém: không biết chỉ tay vào đồ vật để thể hiện trẻ muốn gì, không có hoặc ít các biểu cảm trên khuôn mặt, không hiểu các biểu cảm trên khuôn mặt của người khác (nhíu mày, nhăn mặt).
  3. Có các hành vi và sở thích bất thường: chỉ thích các bộ phận của đồ vật (bánh xe, cánh quạt quay); dễ cáu gắt khi có những thay đổi trong các hoạt động hàng ngày; thích quay tròn, nhìn các đồ vật quay tròn; chơi đồ chơi chỉ theo 1 cách nhất định,…
  4. Phát triển ngôn ngữ không đồng đều: Khi nói về chủ đề yêu thích của trẻ thì trẻ có thể lắng nghe và trả lời các câu hỏi khá tốt, trẻ có thể lặp lại những gì đã được nghe trước đó nhưng trẻ gặp khó khăn trong việc mô tả, kể lại những sự việc đã xảy ra, hay diễn tả những suy nghĩ mong muốn của mình một cách mạch lạc. Đặc biệt trẻ gặp khó khăn rất nhiều trong việc hội thoại, trong các cuộc truyện trò cùng các bạn.

Trẻ chậm nói:

  1. Trẻ chậm nói nhưng vẫn hiểu hết những gì người khác nói: Hiểu và làm theo các hiệu lệnh, vẫn có khả năng hiểu và tham gia các hoạt động chơi cùng các bạn
  2. Chậm nói vẫn có các tương tác với mọi người xung quanh tốt: rủ mọi người chơi cùng, chú ý – quan sát khi mọi người thực hiện 1 việc gì xung quanh mình, biết nhờ người khác giúp đỡ.
  3. Trẻ có chậm phát triển ngôn ngữ có thể kém trong ngôn ngữ hiểu và ngôn ngữ diễn đạt nhưng các biểu hiện về ngôn ngữ không lời như chỉ tay, kéo tay, thực hiện các hành động để thu hút sự chú ý thì vẫn có và có thể khá tốt.
  4. Trẻ chậm phát triển ngôn ngữ không có các hành vi, sở thích bất thường.
  5. Nếu được trị liệu tốt, dần dần trẻ có thể bắt kịp được các bạn cùng lứa tuổi mà không gặp vấn đề về nói hoặc hiểu ngôn ngữ. Những vấn đề rối loạn ngôn ngữ có thể còn kéo dài đến khi trẻ đi học, tuy nhiên, những vấn đề đó không quá ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ.

 

Trên đây là các dấu hiệu sẽ giúp các cha mẹ nhận biết rõ hơn thế nào là trẻ có các dấu hiệu tự kỉ và trẻ có rối loạn phát triển ngôn ngữ (chậm nói). Nếu cha mẹ phát hiện con mình có vấn đề ở bất cứ lĩnh vực nào – ngôn ngữ, vận động, trẻ không nhìn mắt, không chơi cùng bạn – thì nên cho con đi khám ngay để được đánh giá và can thiệp sớm.

Bác sỹ Lê Đức Duy

Nguồn sưu tầm. 


Cũ hơn Mới hơn

Lấy lại mật khẩu

DMCA.com Protection Status