Từ 3 đến 6 tháng tuổi là thời điểm bé có năng lực tiếp thu lớn nhất và hiệu quả nhất. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian này, cha mẹ nên giúp trẻ phát triển toàn diện 5 giác quan thông qua những trò chơi hoặc hoạt động vui nhộn.
Trẻ được 3 – 6 tháng tuổi là đã có thể nhìn, nghe, ngửi và cảm nhận khá nhiều về thế giới xung quanh. Không những vậy, đối với trẻ, thế giới còn là một tổng thể những điều mới lạ từ âm thanh, hình ảnh, hương vị, cảm xúc độc đáo mà bé mong muốn được khám phá. Là cha mẹ, bạn cần nỗ lực kích thích 5 giác quan của trẻ phát triển toàn diện để bé có thể dễ dàng hòa hợp được với thế giới xung quanh. Hãy cùng xem tiếp những chia sẻ dưới đây xem chúng ta nên làm thế nào để làm được điều này nhé.
Bé mới được có 3 tháng tuổi? Bạn nghĩ bé còn quá nhỏ để cảm nhận và hiểu được nhiều điều? Nếu bạn đang có suy nghĩ này, hãy quên ngay đi bởi khoa học đã chứng minh, ở giai đoạn này, 5 giác quan của trẻ phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ đấy.
Nhắc đến giác quan là chúng ta đang nhắc đến 5 loại cảm giác của con người bao gồm khứu giác, thính giác, thị giác, vị giác, xúc giác. Việc kích thích giác quan cho trẻ chính là quá trình phát triển đồng thời cả 5 giác quan một cách hiệu quả nhất. Dưới đây là một vài hoạt động thú vị để kích thích phát triển các giác quan của bé mà bạn có thể thử:
Thị lực
Ở độ tuổi từ 3 đến 6 tháng, trẻ thường rất dễ bị thu hút bởi những đồ vật có nhiều màu sắc tươi sáng và hoa văn sáng tạo. Do đó, để giúp bé phát triển thị giác tốt hơn, bạn có thể:
- Treo đồ chơi có nhiều màu sắc phía trên cũi hay giường của con, dùng giấy dán tường hay tranh ảnh có hoa văn và hình ảnh thú vị để trang trí phòng cho bé.
- Treo phía trên giường những đồ chơi có nhiều màu sắc như bóng bay, băng vải, giấy màu… và thường xuyên thay đổi vị trí của chúng nhằm tránh bé chú ý mãi về một phía.
- Bé càng lớn, bạn hãy treo vật xa hơn, bên cạnh đó bạn cũng nên thay đổi về hình dạng, kích thước, màu sắc… của vật nhằm giúp cho thị giác của bé được kích thích.
- Khi bế hay chơi với bé, bạn hãy chỉ cho con thấy những món đồ vật khác nhau và những góc độ khác nhau của cùng một món đồ. Điều này sẽ giúp mở rộng nhận thức của bé về thế giới xung quanh.
- Bạn cũng có thể để cho trẻ nhìn vào những bức hình kẻ sọc đen và trắng 3 phút mỗi ngày, liên tục trong một tuần. Nếu bé hết hứng thú với sọc ngang và sọc dọc, bạn chuyển sang sọc với lưới nhỏ hơn.
Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tốt để bắt đầu chơi các trò chơi như ú òa. Những trò này sẽ giúp cải thiện khả năng phối hợp giữa tay và mắt. Bởi lúc này, cơ mắt của bé cũng đang trở nên mạnh mẽ và bé có thể theo dõi các chuyển động tay tốt hơn.
Thính giác
Khi mới chào đời, bé chưa có khả năng phân biệt các loại âm thanh khác nhau. Đến một giai đoạn nhất định, trẻ sẽ bắt đầu có những phản ứng về âm thanh như việc tìm kiếm nguồn phát ra. Do đó, để giúp trẻ phát triển giác quan này tốt nhất, bạn cần:
- Nói chuyện với bé thường xuyên bởi việc giao tiếp nhiều sẽ giúp bé tăng vốn từ và khả năng phát âm. Bạn nên nói chậm và diễn đạt rõ ràng, chính xác để bé có thể dễ dàng bắt chước.
- Nói chuyện với con, đọc truyện cho con mọi lúc để bé quen với âm thanh tiếng nói của mọi người.
- Cho bé nghe những âm điệu, giọng nói, các loại tiếng động khác nhau. Bạn có thể cho bé nghe cuộc trò chuyện giữa các thành viên khác trong gia đình để bé nghe được những giọng nói khác nhau.
- Tạo ra tiếng ồn trắng (thông qua các ứng dụng điện thoại di động) để bé dễ ngủ hơn.
Xúc giác
Xúc giác của trẻ nhỏ tương đối nhạy cảm, đặc biệt là ở bàn tay, môi và bàn chân. Do đó, để kích thích phát triển giác quan này, bạn nên:
- Chạm vào các vị trí khác nhau trên khuôn mặt trẻ sơ sinh như môi, miệng, cằm, má phải, má trái, hàm trên, hàm dưới… để bé nhanh chóng học được cách điều chỉnh, cảm nhận được vị trí.
- Thường xuyên ôm ấp, vỗ về bé vì điều này làm cho bé cảm thấy thoải mái và an toàn.
- Có khoảng thời gian tiếp xúc da kề da với bé mỗi ngày. Điều này có thể thực hiện khi cho con bú, ngủ hoặc bất cứ khi nào bé thấy khó chịu.
- Dành thời gian nhẹ nhàng massage cho bé mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp phát triển cơ bắp mà còn thúc đẩy cảm giác hạnh phúc ở trẻ nhỏ, tạo điều kiện gắn kết giữa bạn và bé.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bé chạm vào những vật xung quanh như một chiếc khăn mềm, khăn khô – ướt, ấm – lạnh, vật thô cứng – mềm mại, đồ chơi có các dạng kết cấu khác nhau. Bằng cách này, cảm nhận về vật thể của bé sẽ tăng lên, năng lực xúc giác sẽ phát triển tốt hơn.
Khứu giác
Trong 5 giác quan, khứu giác là giác quan phát triển sớm nhất. Ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên với mẹ, bé đã nhanh chóng cảm nhận và nhớ được mùi của mẹ. Tuy nhiên theo thời gian và sự phát triển của các giác quan khác, độ nhạy bén của khứu giác cũng giảm dần. Bởi vậy, ngay từ những ngày tháng đầu, bạn nên tận dụng hiệu quả để phát triển năng lực khứu giác cho bé:
- Trẻ nhỏ thường đặc biệt thích mùi sữa mẹ, do đó bạn nên hạn chế sử dụng nước hoa, tránh sử dụng nước hoa có mùi quá nồng trong thời gian này.
- Cho bé ngửi các mùi từ hương hoa, trái cây, mùi thức ăn, mùi bánh…
- Luyện tập phát hiện mùi vị.
Vị giác
Khi mới sinh ra, bé đã có thể phản ứng với các mùi vị. Chẳng hạn, khi mút vị ngọt, bé sẽ tỏ vẻ thích thú, nếu gặp vị chua bé sẽ nhăn mặt, thè lưỡi và quay đi… Để giúp trẻ phát triển vị giác và cảm nhận được các mùi vị khác nhau, bạn cho bé ăn nhiều thức ăn đa dạng từ lỏng, mềm đến cứng, thức ăn làm từ nhiều thành phần khác nhau như rau, trái cây, thịt gia cầm, hải sản… đa dạng. Đây là cách rất tốt để kích hoạt vị giác cho trẻ nhỏ.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm một số thông tin hữu ích để giúp bé yêu phát triển 5 giác quan tốt nhất. Giai đoạn từ 3 đến 6 tháng tuổi là độ tuổi tốt nhất để thực hiện điều này, do đó, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
ST