Nhiều đau đớn, khó chịu dồn dập lên mẹ bầu vào những tháng cuối thai kì. Giai đoạn này chính là lúc các bố cần phải quan tâm, động viên và đồng hành với mẹ nhiều hơn. Đọc để hiểu, đồng cảm và yêu thương thêm người phụ nữ bên cạnh mình ba nhé!
Những đau đớn mẹ bầu phải chịu đựng trong tháng cuối
Càng về những ngày cuối thai kỳ, mẹ bầu càng cảm thấy nặng nề, khó chịu. Lúc này, em bé đã nặng khoảng 2,5 kg và “quậy phá” dữ dội trong bụng khiến những hoạt động thường ngày của mẹ như đi lại ngủ nghỉ cũng trở nên vô cùng khó chịu.
Đây chính là thời điểm các bà vợ bầu cần được sự quan tâm, chăm sóc và sẻ chia của các ông chồng nhất. Đừng bố nào vô tâm kẻo hai mẹ con buồn lắm. Bởi lúc này mẹ đang phải chịu đựng nhiều đau đớn lắm bố ơi!
Mẹ thường xuyên bị chuột rút
Hiện tượng này xảy ra rất có thể là do mẹ đang trong tình trạng thiếu canxi. Ngoài ra, khi bụng mẹ ngày càng to thì sẽ càng tạo những áp lực lớn cho đôi bàn chân và bắp chân. Vì vậy, khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc lúc đang nằm ngủ, mẹ có thể bị chuột rút bất thình lình gây đau đớn.
Nếu buổi đêm mẹ bị chuột rút, bố hãy ngay lập tức dậy ngay và xoa bóp đôi bàn chân cho mẹ nhé. Bố hãy nhắc mẹ nên cố gắng duỗi thẳng chân và xoay bàn chân theo chiều kim đồng hồ, dùng lực để xoa bóp trong vài phút. Mỗi tối mẹ cũng nên nhờ bố hoặc tự mát xa cho vùng bắp chân và bàn chân của mình, trước khi đi ngủ nên để chân gác hơi cao một chút, có thể phòng tránh chuột rút.
Và khi ngủ dậy, nếu như mẹ đang nằm thẳng, mẹ nên lật nghiêng người, từ từ co hai chân lên rồi vặn mình từ từ ngồi dậy, dùng lòng bàn tay chống vào mặt giường, hai chân di chuyển đẩy người ra mép giường và đứng thẳng lên. Việc nằm xuống và ngồi dậy của mẹ cần phải thật từ từ để không gây thêm đau nhức.
Ngoài ra, mẹ hãy bổ sung thêm lượng canxi cần thiết cho cơ thể hàng ngày theo chỉ dẫn của các bác sĩ nhé.
Phù chân tay
Càng về những tháng cuối thai nhi sẽ lớn dần làm tăng áp lực trong ổ bụng và tạo nên một lực ép khá lớn lên các tĩnh mạch vùng chậu làm cho máu khó chảy trở về tim được dẫn đến hiện tượng sưng phù tay chân ở bà bầu. Ngoài ra, nguyên nhân có thể là do bà bầu phải đứng làm việc hoặc ngồi lâu trong một thời gian dài, mang giày cao gót, hay chế độ ăn ít kali.
Hiện tượng sưng phù tay chân sẽ giảm dần nếu mẹ điều chỉnh chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Tuy nhiên, nếu mẹ bị sưng phù lâu ngày, dù đã nghỉ ngơi mà vẫn không giảm bớt thậm chí kèm theo đau đầu, rối loạn thị giác, mờ mắt, đau bụng…thì khả năng cao là mẹ nằm trong 10% các mẹ bầu có hiện tượng sưng phù chân là tín hiệu của tiền sản giật. Mẹ hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Đau nhức lưng
Nguyên nhân của việc đau lưng cũng bắt nguồn từ việc dây thần kinh bị chèn ép, nội tiết tố thay đổi và các dây chằng bị lỏng lẻo. Việc đứng quá lâu hoặc ngồi sai tư thế cũng sẽ khiến cho mẹ bầu đau thêm. Để giảm nhẹ những cơn đau lưng, mẹ nên luyện tập nhẹ nhàng, chườm nóng và ngủ với gối đỡ sao cho thấy thoải mái nhất.
Đau vùng chậu
Do kích cỡ của tử cung ngày một tăng lên, các khớp vùng chậu phải chịu áp lực lớn hơn dẫn đến đau mỏi. Ngoài ra, dây chằng vùng xương chậu cũng sẽ phải giãn căng ra khi mang thai nên mẹ bầu cảm thấy đau nhiều hơn khi gần đến lúc sinh. Mẹ cần chú ý nghỉ ngơi đầy đủ và tập bài dành cho vùng chậu để giảm nhẹ các cơn đau.
Đau răng lợi
Khi mang thai, hai loại hooc môn progesterone và estrogen trong máu tăng dẫn đến bà bầu thường bị sưng lợi, tấy đỏ, ứ máu gây sâu răng, chảy máu khi đánh răng. Nếu tình trạng đau răng không quá nghiêm trọng, chỉ viêm lợi đơn giản thì bà bầu có thể tự khắc phục tại nhà bằng việc xúc miệng nước muối, chườm nóng để làm tan mủ và chườm lạnh để giảm đau. Nếu cơn đau ảnh hưởng tới giấc ngủ và khiến bạn không ăn được, thì bà bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê một số loại thuốc giảm đau an toàn. Bởi đây có thể là dấu hiệu mẹ bầu đang bị bệnh viêm lợi, viêm màng xương răng có thể cảnh báo nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, rụng răng, đột quỵ…
Mất ngủ
Tháng cuối thai kỳ mẹ thường phải đối mặt với những cơn đau nhức, đi tiểu liên tục hay chuột rút khiến mẹ thường xuyên mất ngủ. Hơn thế, với phần bụng bầu vượt mặt, mẹ sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thay đổi tư thế nằm ngủ. Các ông bố đừng vì thế mà khó chịu, hãy giúp mẹ vượt qua những vất vả này nhé.
Trở lại với thời kỳ nôn mửa
Không ít những mẹ bầu phải đối diện với những cơn buồn nôn y chang thời kỳ ốm nghén ở 3 tháng đầu. Một hình hài bé nhỏ trong tử cung đang phát triển rất nhanh làm cơ thể mẹ bầu trở nên yếu ớt, nhạy cảm hơn. Vì vậy, không có gì là lạ nếu chuyện ăn uống của bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ trở nên khá khó khăn. Mẹ có thể áp dụng lại một số phương pháp trị ốm nghén ở giai đoạn đầu thai kỳ để dễ chịu hơn nhé.
Khó ngủ
Nguyên nhân:
Những thay đổi hormone nội tiết tố trong cơ thể, cộng thêm tác dụng phụ khi mang thai, ảnh hưởng không ít cũng nhiều lên hệ tiêu hóa mẹ bầu. Từ đó, gây nên chứng táo bón, ợ nóng, khó tiêu, đầy bụng và cuối cùng dẫn đến chứng mất ngủ.
- Vị trí ngủ không thoải mái cũng có thể làm bà bầu ngủ không ngon, không sâu giấc.
- Một số thai phụ còn bị ảnh hưởng tâm lý bởi những giấc mơ xung quanh thai nhi và đây cũng là một trong các nguyên nhân gây xáo trộn giấc ngủ của mẹ bầu.
- Không ít mẹ bầu bị chuột rút “hành hạ” mỗi đêm nhiều đến nỗi không tài nào chợp mắt được.
- Chứng đi tiểu liên tục trong thai kỳ cũng dễ dẫn đến hiện tượng mất ngủ khi mang thai.
- Tất cả những nguyên nhân trên sẽ dẫn đến mẹ bầu ngủ không sâu và rất khó ngủ trở lại sau khi thức dậy giữa chừng.
Cách khắc phục:
- Kê gối cao đầu khi ngủ để hạn chế sự khó chịu do hệ tiêu hóa gây ra.
- Đọc sách, vận động nhẹ nhàng hoặc tắm, ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn, đồng thời hạn chế được chứng chuột rút. Tư thế ngủ khi mang thai tốt nhất là nằm nghiêng về bên trái vì sẽ giúp lượng máu đến thai nhi dễ dàng hơn. Cố gắng đặt chiếc gối kê ở phần bụng khi nằm nghiêng và đặt gối giữa hai đùi để tư thế ngủ được dễ chịu và thoải mái.
- Lo lắng khi mang bầu là điều hiển nhiên, nhất là những ai lần đầu làm mẹ, nhưng thái quá lại không nên. Mẹ bầu nên tập trung thư giãn, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý và tập luyện điều độ. Tránh dùng đồ ăn, thức uống cay và nóng, chứa caffeine gây rối loạn giấc ngủ.
- Hạn chế uống nước nhiều vào buổi tối, nhất là sau 8 giờ tối để tránh đi tiểu đêm.
- Không xem tivi, đọc sách báo, dùng điện thoại trên giường.
- Duy trì thói quen ngủ đúng giờ cũng có thể giúp cơ thể bạn lắng xuống để chuẩn bị cho một đêm ngon giấc. Mặc dù việc chuẩn bị chào đón thành viên mới của gia đình có thể là một hoạt động hấp dẫn làm bạn dễ quên giờ giấc,nhưng hãy nhớ rằng cần phải đặt nhu cầu của bạn lên ưu tiên hàng đầu.
- Tập thể dục điều độ, nhất là bộ môn yoga có thể giúp bầu dễ ngủ hơn.
Khó thở
Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân gây khó thở – một trong những khó chịu của mẹ bầu, nhưng “thủ phạm” chính gây nên cảm giác này thường do những thay đổi của cơ thể trong thai kỳ. Sự gia tăng hormone khi mang thai, đặc biệt là progesterone, trực tiếp ảnh hưởng đến phổi và kích thích trung tâm hô hấp ở não của bạn. Hệ quả, bạn cảm thấy hơi thở gấp gáp và khó khăn hơn.
Ngoài ra, khi mang thai, tử cung của bạn sẽ lớn dần lên để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, khi tử cung mở rộng sẽ chèn ép, khiến hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, làm bạn cảm thấy khó thở.
Cách khắc phục:
Khó thở khi mang thai là triệu chứng khá bình thường và sẽ đồng hành cũng mẹ bầu cho đến ngày cuối cùng của thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ bầu có thể khắc phục như sau: Không nên làm việc vội vàng, để giảm sự căng thẳng cho cơ thể, tránh làm việc nặng nhọc, đi lại nhiều để gây mệt cho bản thân. Khi cảm thấy khó thở, bầu nên thay đổi tư thế của mình. Nếu đang ngồi nên ngồi thẳng lưng, vai đẩy ra phía sau. Khi ngủ, bà bầu cũng có thể chèn thêm gối ở phía trên để giảm bớt áp lực của tử cung lên cơ hoành.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng nên chăm chỉ tập thể dục khi mang thai, để điều hòa vè kiểm soát hơi thở của mình tốt hơn. Yoga, bơi và đi bộ là những bài tập nhẹ nhàng, giúp mẹ cung cấp oxy cho phổi nhiều hơn.
Mẹ cũng có thể bỏ ra 10 phút mỗi ngày để thử các bài tập hít thở, giúp mở rộng phổi:
- Đứng thẳng người, hai tay buông hai bên
- Hít sâu và từ từ đưa hai tay cao qua đầu. Nhớ nâng đầu cao khi thở
- Thở ra và hạ tay xuống
Khó đi lại
Nguyên nhân:
Bụng bầu càng lớn, mẹ bầu càng vất vả và mệt mỏi, thậm chí với đôi chân bị phù nề sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc đi lại.
Bụng bầu to lên khiến bạn dễ mất thăng bằng, dẫn tới vấp, ngã khi di chuyển.
Bên cạnh đó, những chứng đau nhức sẽ gia tăng khi thai nhi phát triển theo từng ngày. Mẹ bầu có thể phải đối mặt với cơn đau lưng triền miên, hay các cơn đau ở khu vực mông và háng tuy xuất hiện ngắn nhưng lại rất nhói và khó chịu. Những cơn đau này sẽ mạnh hơn khi bạn đứng hoặc đi lại nhiều.
Cách khắc phục:
Phù nề là triệu chứng xảy ra khá thường xuyên. Để giảm bớt tình trạng này, các chị em nên mặc quần áo và giày thoải mái, đồng thời xoa bóp nhẹ nhàng cho chân và có thực đơn ăn uống cân bằng.
Tập thể dục và dành thời gian nghỉ ngơi cũng sẽ giúp đỡ đau nhiều hơn. Áp lực từ trọng lượng của thai nhi chính là nguyên nhân gây ra những cơn đau khó chịu của mẹ bầu. Giải pháp hoàn hảo nhất bây giờ đó là: mát-xa. Đồng thời, khi ngồi, bạn nên kê chân để tránh áp lực của bào thai lên hông và cũng có thể chườm ấm vào háng cho đến khi cơn đau dịu đi.
Chỉ còn ít ngày nữa, ba mẹ sẽ được hạnh phúc đón bé yêu chào đời. Được ấp ôm thiên thần bé nhỏ trong tay thì chút khó khăn này có là bao. Ba hãy luôn đồng hành cùng mẹ nhé, cùng san sẻ những khó khăn ngày cuối thai kì. Ba mẹ cũng đừng quên chuẩn bị đồ đi sinh đầy đủ, sẵn sàng nhé! Chúc mẹ vượt cạn thành công!