Giỏ hàng
Danh mục sản phẩm

Khi bắt đầu ăn dặm, trẻ cần bao nhiêu sữa mẹ trong 24 giờ?

Đăng bởi Suri Store ngày bình luận

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có nhu cầu lớn hơn về năng lượng do đó, nếu chỉ bú mẹ thì sẽ không đảm bảo cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, việc bú mẹ vẫn phải được diễn ra song song với quá trình ăn dặm này. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các thông tin cần lưu ý về việc bú mẹ cho những trẻ bắt đầu ăn dặm.

1. Chế độ ăn dặm và uống sữa cho bé

Rất khó để có thể biết chính xác trẻ sẽ cần bao nhiêu sữa trong vòng 1 ngày ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm vì nó còn phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và lượng calo mà trẻ tiêu thụ. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sơ sinh vẫn sẽ bú từ sáu lần trở lên trong khoảng thời gian 24 giờ, ngay cả sau khi trẻ bắt đầu ăn thức ăn đặc. Điều quan trọng là bạn để ý các dấu hiệu và cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ có biểu hiện muốn bú. Bạn có thể cho trẻ bú và xem như đó là một bữa ăn nhẹ, hay cách để làm cho trẻ cảm thấy thoải mái hoặc thậm chí cho trẻ bú và xem đó là một bữa ăn đầy đủ.

Bạn cũng nên lưu ý không nên bắt đầu cho trẻ ăn dặm quá sớm. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị, trẻ sơ sinh nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và hãy đợi cho trẻ được 6 tháng tuổi mới bắt đầu cho ăn dặm. Ở giai đoạn từ 6 tháng đến một tuổi thì sữa mẹ vẫn là thức ăn quan trọng nhất trong chế độ ăn của trẻ, vì vậy, điều quan trọng là phải duy trì nguồn sữa của bạn. Cách tốt nhất để làm điều đó là cho trẻ trước khi cho ăn thức ăn đặc.

Khi lớn hơn, ăn thức ăn đặc hơn thì trẻ sẽ bú ít sữa mẹ hơn. Tuy nhiên, sẽ có thể có những ngày bé không muốn ăn và sẽ bú rất nhiều, và ngược lại, cũng sẽ có một vài ngày trẻ sẽ chỉ ăn mà không thích bú. Do đó, rất khó để xác định chính xác một lượng sữa cố định mà trẻ cần phải dùng trong khoảng thời gian 24 giờ khi bé đã bắt đầu ăn dặm.

ăn dặm tự chỉ huy

Mẹ nên duy trì song song cả bú và ăn dặm để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
2. Tác dụng của việc nuôi con bằng sữa mẹ

Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mang lại nhiều lợi ích cho cả trẻ sơ sinh và mẹ. Đứng đầu trong số các lợi ích này là bảo vệ chống lại nhiễm trùng đường tiêu hóa cho trẻ. Cho trẻ bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ sau khi sinh để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bị nhiễm trùng và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Nguy cơ tử vong do tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác có thể tăng lên ở trẻ bú mẹ một phần hoặc không bú mẹ hoàn toàn.

Sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng quan trọng cho trẻ từ 6–23 tháng tuổi. Nó có thể cung cấp một nửa hoặc cung cấp nhiều hơn nhu cầu năng lượng của trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 12 tháng và cung cấp 1/3 nhu cầu năng lượng cho trẻ từ 12 đến 24 tháng. Sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng quan trọng trong thời gian trẻ bị bệnh và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em bị suy dinh dưỡng.

Trẻ em và thanh thiếu niên được bú sữa mẹ khi còn nhỏ ít bị thừa cân hoặc béo phì và có những biểu hiện tốt hơn về trí thông minh. Nuôi con bằng sữa mẹ giúp cải thiện sự phát triển của trẻ và giảm chi phí y tế mang lại lợi ích kinh tế cho các gia đình cá nhân cũng như ở cấp quốc gia.

Thời gian cho trẻ bú lâu hơn cũng góp phần vào sức khỏe và hạnh phúc của mẹ. Nó làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng và ung thư vú, đồng thời giúp phòng tránh có thai ngoài ý muốn. Do đó, đây còn được gọi là phương pháp ngừa thai tự nhiên.

Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé

3. Lưu ý khi cho trẻ ăn bổ sung

Trẻ từ khoảng 6 tháng tuổi thường có nhu cầu về năng lượng và chất dinh dưỡng vượt quá năng lượng được cung cấp bởi sữa mẹ. Do đó, bổ sung thực phẩm vào chế độ dinh dưỡng là cần thiết để đáp ứng những nhu cầu này của trẻ. Nếu trẻ không được bổ sung thêm các thức ăn khác hoặc trẻ không được cung cấp thức ăn thích hợp thì sẽ làm chậm sự phát triển của trẻ sơ sinh. Các nguyên tắc hướng dẫn để cho trẻ ăn bổ sung phù hợp là:

  • Tiếp tục cho trẻ bú mẹ thường xuyên, theo yêu cầu cho đến khi trẻ được 2 tuổi trở lên.
  • Thực hành cho trẻ ăn có phản ứng (ví dụ, cho trẻ ăn trực tiếp và hỗ trợ trẻ lớn hơn. Cho trẻ ăn chậm và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn nhưng không ép trẻ, nói chuyện với trẻ và duy trì giao tiếp bằng mắt).
  • Thực hành tốt vệ sinh và xử lý thực phẩm đúng cách.
  • Bắt đầu cho trẻ ăn từ khi 6 tháng tuổi với lượng thức ăn nhỏ và tăng dần khi trẻ lớn hơn.
  • Tăng dần độ đặc và đa dạng của thức ăn.
  • Tăng số lần cho trẻ ăn: 2–3 bữa mỗi ngày cho trẻ 6–8 tháng tuổi và 3–4 bữa mỗi ngày cho trẻ 9–23 tháng tuổi, với 1–2 bữa phụ bổ sung theo yêu cầu.
  • Sử dụng thức ăn bổ sung tăng cường hoặc bổ sung vitamin- khoáng chất khi cần thiết và trong thời gian bị bệnh, hãy tăng lượng chất lỏng bao gồm cho con bú nhiều hơn, và cho trẻ ăn thức ăn mềm, ưa thích.

Sữa mẹ là nguồn “tài nguyên” vô giá về dưỡng chất cho trẻ suốt 6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, từ sau 6 tháng, sữa mẹ đáp ứng chỉ khoảng 70% nhu cầu dinh dưỡng cho bé, hệ tiêu hoá của bé sẵn sàng tiếp nhận ăn bổ sung. Trong trường hợp trẻ không thể dung nạp trọn vẹn bữa ăn như yêu cầu, không bú đủ sữa hoặc suy dinh dưỡng, trẻ có tiền căn sinh non hay có bệnh lý bẩm sinh... thì cần xem xét bổ sung thêm các loại vitamin và dưỡng chất trong chế độ ăn hằng ngày.


Cũ hơn Mới hơn

Lấy lại mật khẩu

DMCA.com Protection Status